Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Tin theo Phật giáo có phải là mê tín không?

thanhtao.name.vn - Phật giáo, là một tôn giáo lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của người Việt chúng ta. Phật giáo bao gồm những giáo điều mà đức Phật Thích ca khi xưa đã truyền dạy cho chúng sinh nhằm giúp chúng sinh sống một cuộc sống thanh tao; đồng thời giúp cho những người tu hành chân chính tìm ra con đường giải thoát khỏi Sinh tử Luân hồi

Tin theo Phật giáo có phải là mê tín không?

Câu trả lời là không! Tin theo Phật giáo là một niềm tin lý trí, tuyệt đối không phải là mê tín dị đoan. Chỉ có điều, qua nhiều thế kỷ cùng với nhiều biến cố lịch sử của Phật giáo, để thích ứng với thời đại và tiện việc truyền đạo, một vài nhà truyền đạo đã "sáng tạo" ra nhiều tình tiết khác nhau để mọi người dễ dàng tiếp cận. Không ít trong số đó (đặc biệt xuất hiện khi đạo Phật đến Trung Quốc) đã "vẽ vời, thêm thắt" những điều không đúng với Phật giáo nguyên thuỷ (như cho rằng có Thượng đế, có Thiên đường, Âm phủ...). Những "sáng tạo" đó du nhập vào Việt Nam trong thời gian chúng ta bị đô hộ, lâu dần trở thành tín ngưỡng dân gian mà phần nhiều mang nặng sự mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, lời của đức Phật dạy được các nhà tu truyền bá cho dân chúng lại có phần chưa phù hợp với mọi người, mọi sự hiểu biết của dân chúng, nên có nhiều người sau khi nghe thuyết pháp xong lại tỏ ra...chẳng hiểu gì hết! Đó cũng là một trong những lý do khiến cho nhiều người dựa vào mê tín dị đoan làm niềm tin tôn giáo mà cứ ngỡ rằng mình đang đi đúng đường của Phật giáo

Phật giáo có quá khó để hiểu và làm theo không?

Thật ra, Phật giáo không quá cao siêu khó hiểu như nhiều người lầm tưởng, Phật giáo là những điều rất cơ bản trong đời sống của mỗi con người với thế giới và vũ trụ xung quanh. Chỉ có điều, để thấu hiểu được những giáo lý của đức Phật, chúng ta phải dùng cái tâm, cái trì của mình mà tiếp nhận, suy ngẫm và hành động. Đó cũng là điều mà đạo Phật hay dùng hai từ TĨNH TÂM, nghĩa là, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải dùng cái tâm tĩnh lặng, điềm tĩnh mà nhìn nhận vấn đề, chớ nóng vội sinh ra cái nhìn phiến diện.

Phải bắt đầu thực tập về niềm tin lý trí thế nào?

Vấn đề đầu tiên đặt ra cho người tin vào Phật giáo và muốn thoát khỏi sự mê tín dị đoan, cũng như bài thực hành đầu tiên để tâm, trí thoát mê tín đó là trả lời cho câu hỏi mà hầu như tôn giáo nào cũng đề cập, đó là Loài người có trước hay Trời, Phật, Thần, Thánh có trước? Ở các tôn giáo nhất thần và đa thần (dễ hiểu, chúng ta liên tưởng đến đạo Tin Lành hay Công giáo) họ cho rằng các đấng tối cao (Thượng đế chẳng hạn) sáng tạo ra mọi vật, và con người do Thượng đế tạo ra, nghĩa là con người có sau Thượng đế! Tuy nhiên, đạo Phật không công nhận điều đó, trái lại đạo Phật cho rằng tất cả chúng sinh trong vũ trụ bao la đều được sinh ra thông qua Luân hồi! Trong quá trình luân hồi đó, chúng sinh nào nhận ra được ĐẠO và tu luyện THÂN - TÂM - TRÍ đến một mức độ nhất định sẽ thoát khỏi vòng luân hồi và tái sinh về cõi vĩnh hằng. Ở đây, Phật giáo cho rằng cõi vĩnh hằng là nơi không có khổ đau, không còn Sinh - Lão - Bệnh - Tử, và thường là nơi ở của các bậc tu hành đắc đạo, được gọi là Cao Tăng đắc đạo mà chúng ta có thể hiểu rằng đây là nơi ở của đức Phật. Như vậy, Phật giáo không cho rằng Phật hay con người có trước, chỉ cho là con người cũng như các loại chúng sinh khác nếu tu tập chánh đạo và thực hành THÂN - TÂM - TRÍ đến nơi đến chốn đều có thể chứng đắc quả đạo nhiệm mầu, và đương nhiên cũng có thể được thành Phật. Đây là điều cơ bản cho thấy cách nhìn nhận về thế giới quan, nhân sinh quan của đạo Phật là cái nhìn tri giác, không có sự mê tín tồn tại, Phật giáo cũng không chủ xướng con người cúng bái thần linh hay sợ ma quỷ, bởi tất cả đều không tồn tại.

Phật giáo lý giải sao về Sinh và Tử của con người?

Đức Phật chỉ ra các cảnh giới mà con người sau khi chết sẽ tái sinh về đó, tuỳ vào PHƯỚC và NGHIỆP của từng người, đó là: Cõi ThánhCõi phàm. Trong đó:
  • Cõi Thánh là nơi của những người có được phước báo rất lớn ( như Phật, Bồ Tát, A La Hán)
  • Cõi phàm có các cảnh giới tái sinh: Chư Thiên (người ở các hành tinh khác, có phước báo hơn con người); Nhân (là chúng ta trên Trái đât này); A tu la (được xem như nơi ở của các vị Thần, những người có công, cống hiến cho quê hương đất nước và được người dân thờ cúng trong các đình, miếu); Súc sinh ( từ côn trùng, rắn rết đến các loài động vật cao hơn như trâu bò gà vịt... Cảnh giới này dành cho người có nghiệp xấu, sau khi chết họ sẽ tái sinh vào đây và phải chịu những bất hạnh mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đã biết được) và Ngạ quỷ (người bị chết oan, có lòng thù hận, tiếc nuối...chưa rũ bỏ được những gì của kiếp sống hiện tại nên bị luẩn quẩn giữa trạng thái sinh-tử và không siêu thoát được).
Khi chỉ ra các cảnh giới tái sinh, có thể nhiều người thấy trong đó có Thần, Phật, Thánh, quỷ... thế sao Phật giáo lại cho là không tồn tại?! Chúng ta nên để ý kỹ, bởi vì tất cả họ đều ở tại cảnh giới của họ chứ không phải đang ở cùng chúng ta, giống như con người chỉ có thể sống trên Trái đất này vậy. Còn nữa, nếu sau khi chết, một người phải vào cảnh giới Ngạ quỷ và có thể luẩn quẩn quanh nơi mà cái chết đã diễn ra với họ (tức là một nơi nào đó trên thế gian), thì sự tồn tại của họ cũng chỉ ở dạng tâm thức nên không thể làm gì được con người...

TÓM LẠI:

Phật giáo lý giải và hướng con người vào một lối tư duy khoa học, nhìn nhận thế giới và vũ trụ bao la bằng lý trí chứ không phải gieo vào đầu con người những niềm tin mù quáng, thiếu khoa học
----------------------------------
Và đương nhiên, con dường phía trước của chúng ta còn dài, nên tạm thời chúng ta nghỉ tại đây vậy

SHARE THIS

Tác giả:

0 nhận xét: